Tại sao các website lớn ưa thích CDN?

23/12/2016 964

Chất lượng và tốc độ là thứ người dùng Internet ngày một đòi hỏi khắt khe. Một trong những giải pháp mà các website ngày nay sử dụng để tăng tốc độ truy cập đó là CDN (Content Delivery Network).

CDN là gì?

Website của các doanh nghiệp lớn có hệ thống máy chủ trải dài trên nhiều quốc gia khác nhau và kết nối với người dùng khắp nơi trên thế giới, hay các website giải trí chứa nhiều nội dung đa phương tiện có băng thông truy cập ở mức cao đều lựa chọn CDN là giải pháp tối ưu để tăng tốc độ.

Về bản chất, CDN là một mạng lưới các cache server trên toàn cầu, làm nhiệm vụ lưu trữ các bản sao nội dung “tĩnh” trên server chủ của website. Nội dung “tĩnh” bao gồm video, âm thanh và các mã JavaScript. Hệ thống CDN của các nhà cung cấp dịch vụ lớn nhất bao gồm hàng ngàn cache server như thế (chúng còn được gọi là CND node, hay edge server).

Khi vị trí của người truy cập vào website ở rất xa so với server chủ, hệ thống quản lý trên CDN sẽ nhận diện xem cache server nào ở gần người truy cập nhất và truyền tải nội dung từ cache server đó. Điều này giúp tăng tốc độ truy cập của người dùng nói trên vào website do khoảng cách được rút ngắn rất nhiều, đồng thời giảm thiểu lỗi do đường truyền. Ngoài ra, nó còn giúp tiết kiệm băng thông và dung lượng lưu trữ cho server chủ, đồng thời duy trì website “sống” khi server chủ có vấn đề.

Những lợi ích của CDN

Với các tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu thế giới, chỉ cần mất thêm vài giây để tải dữ liệu thì thiệt hại đã rất nặng nề. Theo tính toán của Amazon, doanh thu bán hàng toàn cầu của ngành thương mại điện tử thế giới sẽ sụt giảm 1,6 tỷ USD nếu tốc độ truy cập website tăng thêm 1 giây! Các thống kê về thói quen của người dùng Internet cho thấy nếu thời gian tải website lớn hơn 3 giây thì 40% người dùng sẽ cảm thấy không hài lòng, còn nếu vượt quá 8,25 giây thì khả năng người dùng huỷ truy cập là gần 100%.

Còn với các website giải trí đa phương tiện, CDN không chỉ giúp tăng tốc website mà còn tiết kiệm cho họ một số tiền lớn trong việc mua và nâng cấp băng thông. Tại Việt Nam, giá băng thông trung bình hiện nay nằm ở mức khoảng 20.000 đồng cho mỗi GB, tương đương 0,88 USD. Trong khi đó đa số các dịch vụ CDN có giá chỉ 0,05 USD hoặc cao nhất là 0,1 USD – dễ chịu hơn rất nhiều. Tại các công ty công nghệ hàng đầu trong nước như VNG, đa số các sản phẩm đều đã sử dụng CDN trên hệ thống server của mình. Có thể kể đến những tên tuổi đình đám như Zalo, ZingMp3, ZingTV,…

Nguyễn Võ Cao Minh, Senior Software Engineer tại ZingMP3 team cho biết: “Công nghệ CDN đã được VNG ứng dụng trên ZingMP3 từ khá lâu và đem lại hiệu quả cao, góp phần biến website này trở thành một trong những địa chỉ giải trí đa phương tiện hàng đầu Việt Nam. Bên cạnh việc tăng tốc độ lướt web và tiết kiệm chi phí mua băng thông cho máy chủ thì trong những trường hợp truy cập bất ngờ tăng cao đột biến, các CDN node sẽ góp phần chia sẻ băng thông truy cập cho server chủ và giúp đảm bảo tốc độ tải trang. Đó là lí do vì sao người dùng ZingMP3 luôn có được trải nghiệm tốt nhất”.

Bên cạnh việc ứng dụng CDN, công ty con VinaData thuộc VNG hiện cũng đang cung cấp các dịch vụ cloud server, CDN và tape pick-up với khách hàng là nhiều doanh nghiệp, tổ chức lớn trong và ngoài nước. VinaData có rất nhiều gói dịch vụ khác nhau tuỳ theo nhu cầu khách hàng, chẳng hạn như gói dịch vụ “dùng bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu” có chi phí hợp lý rất phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Start.