VNG Games tiên phong giúp Việt Nam vượt qua “mùa đông” của ngành game thế giới

16/12/2022 344

Hội nghị Kết nối Mở rộng thị trường ngành Game Việt Nam: Vươn tầm thế giới – Một sự kiện kết nối và chia sẻ mang tính dấu mốc quy tụ hơn 170 khách mời gồm các ông lớn của ngành game Việt đã diễn ra trong sáng 10.12 tại VNG Campus.

Dưới sự tác động của đại dịch Covid-19, doanh thu ngành game thế giới chứng kiến mức giảm mạnh (giảm 4,3% so với năm 2021). Các game RPG cũng không còn được ưa chuộng như trước mà người chơi có khuynh hướng chuyển sang các game Casual, Hyper Casual. Trong bối cảnh đó, ngành game Việt Nam đã chịu ảnh hưởng không hề nhỏ.

Tại Hội nghị Kết nối Mở rộng thị trường ngành Game Việt Nam ngày 10.12, ông Lã Xuân Thắng – Head of Regional Publishing Studio – nhận định: “Năm 2022 – 2023 là những năm khó khăn nhất đối với ngành game thế giới!”. Câu hỏi tiên quyết là làm sao xây dựng hệ sinh thái game bền vững để sống sót qua “mùa đông” và có thể bứt phá mạnh mẽ trong tương lai.

VNG Games chủ trương sát cánh cùng game Việt

Mỗi Starter đều là một chiến binh được hun đúc để thấm nhuần tinh thần “Đón nhận thách thức”. Điều này là động lực để VNG nói chung, và VNG Games nói riêng, thực hiện sứ mệnh “Kiến tạo công nghệ và phát triển con người. Từ Việt Nam vươn tầm thế giới” và là kim chỉ nam để chúng ta vượt qua mùa đông của ngành game toàn cầu.

Trên cơ sở đó, ông Thắng đã khẳng định rằng VNG Games luôn đồng hành và tạo điều kiện giúp nền công nghiệp trò chơi điện tử nước nhà thăng hoa, nhất là trong việc phát triển con người để nâng tầm chất lượng nguồn nhân lực. Trong những năm qua, VNG Games luôn quyết tâm thực hiện chủ trương đó thông qua những  hoạt động vô cùng thiết thực và bài bản.

VNG Games đã đẩy mạnh các chương trình tuyển dụng thực tập và đào tạo như Level Up Fresher, Game Design Fresher, Tech Fresher… Trong năm nay, chuỗi chương trình Fresher đã thu hút hàng nghìn sinh viên tham gia. VNG Games cũng tổ chức nhiều các hội thảo, tham gia đối thoại giao lưu tại nhiều trường đại học như ĐH Bách Khoa, ĐH Đà Nẵng và ĐH Duy Tân. Đồng thời, công ty cũng trao nhiều suất học bổng và tài trợ cho các cuộc thi sinh viên trên toàn quốc.

Bên cạnh các hoạt động vì cộng đồng, VNG Games còn kết hợp nâng cao trình độ chuyên môn bằng việc mời các chuyên gia từ Meta, Google, Amazon, Tiktok đến đào tạo cho đội ngũ nhân viên. Hiện tại, công ty đang hợp tác hợp tác với tất cả các đối tác lớn trên thế giới trong các lĩnh vực dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, quảng cáo… để phục vụ cho công việc kinh doanh.

“Chúng tôi vừa phát triển theo chiều dọc để tận dụng các thế mạnh của đối tác, vừa đem lại những giá trị cho ngành game”, ông Thắng nói.

Chúng ta không đơn độc trên chặng đua hoàn vũ

Bên cạnh VNG Games, các ông lớn khác trong ngành đã có những đóng góp quan trọng với mục tiêu mang game Việt vươn ra biển lớn.

Ông Lê Quang Tự Do (Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) nhìn nhận ngành game Việt vẫn “đang là người làm thuê cho nước ngoài”. Nguyên nhân bắt nguồn từ sự hoạt động riêng rẽ của các doanh nghiệp game, những bất cập trong hệ thống quản lý và hạn chế về điều kiện phát triển nhân lực trong nước.

Từ đó, Ông Do cho biết Cục đã và đang xây dựng và khởi động những chiến lược thúc đẩy ngành game Việt. Trong thời gian tới, Cục chú trọng thay đổi một số chính sách quản lý và giảm bớt thủ tục hành chính. Song song đó, Cục sẽ xúc tiến các hoạt động kết nối ngành game và truyền thông nhằm thay đổi nhận thức, định kiến của cộng đồng.

Đối với ông Don Phan (Business Development Manager, Amazon Web Services), việc cải thiện các bất cập trong cơ chế pháp lý đối với ngành game tại Việt Nam cũng là một nước đi hiệu quả để giải quyết bài toán “chảy máu” chất xám.

Cộng hưởng với chủ trương nâng tầm nhân lực của VNG Games, ông Phạm Văn Thành (Giám đốc VTC Game) cho biết VTC Game cũng đã có những kế hoạch cụ thể, như việc hợp tác chiến lược phát triển toàn diện với Microsoft, Google để đưa các giáo trình về triển khai trên cổng game của Cục và đào tạo trực tuyến miễn phí.

Cũng trên bình diện phát triển con người, ông Thái Thanh Liêm (CEO Topebox) quan niệm tư duy chính là vũ khí đắc lực. Ông Liêm chia sẻ thêm về nguyên lý Pareto trong việc làm game nhằm cải thiện mức độ hoàn thiện của sản phẩm, đáp ứng yêu cầu chung của thế giới.

Ông Do bộc bạch: “VNG Campus chính là biểu tượng phát triển của ngành game, kết tinh những tâm huyết và sự dày công, truyền cảm hứng cho chúng ta cùng nhau phấn đấu để làm nên kỳ tích”. Có thể nói, bằng sự đoàn kết và cố gắng hướng đến mục tiêu chung của VNG Games cùng các đối tác, chúng ta có thể mang lại “mùa xuân” rực rỡ cho ngành game nước nhà.

Ông Lã Xuân Thắng nhấn mạnh thêm rằng tuy ngành game trong nước vẫn còn non trẻ nhưng Việt Nam đang sở hữu nội lực dồi dào để khẳng định vị thế trên bản đồ thế giới. Khi so sánh với 4 thị trường game lớn nhất ở Đông Nam Á, Việt Nam có lượng người dân có chơi game đông nhất (hơn 50 triệu người). Số liệu từ ông Thắng cho thấy Việt Nam có tỷ lệ người chơi trả phí cao và dư địa phát triển vô cùng hứa hẹn (21% dân số chưa sử dụng Internet, chỉ xếp sau Indonesia).

Ông Lê Quang Tự Do cho biết, những năm qua, ngành game Việt cũng đạt được những thành tựu đáng tự hào: 5/10 studio game khu vực châu Á – Thái Bình Dương và châu Úc là của Việt Nam; 50% tựa game mobile được yêu thích nhất có nguồn gốc từ Việt Nam. Bên cạnh đó, cứ 25 trò chơi tải lên kho ứng dụng thì có 1 game của Việt Nam.

Đó là những dấu hiệu khả quan cho thấy ngành game Việt không hề thua kém bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Ông Thắng cũng nói: “Ngành game Việt Nam không thiếu năng lực, chỉ cần thay đổi cách tư duy và tiếp cận vấn đề. Điểm mạnh của chúng ta là có môi trường cực kỳ năng động và có “máu” kiếm tiền”.

START