Hệ sinh thái công nghệ ở Việt Nam

25/05/2017 1,381

Apple, Google hay Microsoft là những đế chế trong ngành công nghệ thế giới. Bí quyết thành công của họ đó là xây dựng những hệ sinh thái và biến khách hàng thành những “tín đồ trung thành” với sản phẩm mà họ tạo ra.

Vì sao cần “hệ sinh thái công nghệ”?

Bạn đã dùng iPhone? Tất nhiên là bạn sẽ tải ứng dụng trên AppStore, nghe nhạc từ Apple Music, lưu ảnh lên iCloud,… Rồi thấy điện thoại chơi game chưa đã, bạn mua iPad để chơi và để tận dụng nội dung đã có trên iPhone. Sau đó bạn mua laptop và chẳng có lựa chọn nào khác ngoài Macbook cũng vì macOS đồng bộ tốt hơn với iOS. Chưa hết, bạn bè của bạn thấy được sự tiện lợi của iMessage và Facetime và thế là họ cũng đi mua iPhone. Vòng quay cứ thế lặp đi lặp lại.

Điều tương tự cũng diễn ra với Google và Microsoft. Bạn tìm kiếm với Google Search, sau đó cài đặt Chrome, đăng kí Gmail, dùng Google Docs và mua lưu trữ trên Google Drive. Bạn thành lập doanh nghiệp, mua GSuite, chạy quảng cáo Google AdWords và kiếm tiền từ GDN.

Theo thống kê từ Visual Capitalist, doanh thu của Apple, Google và Microsoft trong năm 2016 là 391 tỷ USD, tức… gần gấp đôi GDP Nominal của Việt Nam (200,49 tỷ USD) cùng năm.

Tim Cook, CEO của Apple từng chia sẻ trong báo cáo tài chính của tập đoàn vào quý 2 năm 2016 như sau: “Chúng tôi rất hài lòng với sự tăng trưởng liên tục về doanh thu từ các dịch vụ, nhờ sức mạnh đáng kinh ngạc của hệ sinh thái Apple và sự tăng trưởng này dựa trên hơn một tỷ thiết bị đang hoạt động”.

Hệ sinh thái công nghệ ở Việt Nam

Tất nhiên không thể so sánh quy mô các tập đoàn Việt Nam với các ông lớn như Apple, Google hay Microsoft. Tuy nhiên, định hướng phát triển xây dựng “hệ sinh thái công nghệ” cũng được thể hiện rõ nét tại các hãng công nghệ trong nước.

FPT gần đây đã có những hoạt động hợp tác với Google và Microsoft để xây hệ sinh thái cho cộng đồng công nghệ Việt Nam. Ông Lê Hồng Việt, Giám đốc Công nghệ FPT kỳ vọng: “Những kinh nghiệm từ Google, Microsoft, FPT cũng như việc các công ty công nghệ mở nền tảng cho cộng đồng sử dụng sẽ tạo ra một làn sóng khởi nghiệp mới, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ số”.

Một cái tên khác cũng tạo được dấu ấn về “hệ sinh thái” trong làng công nghệ đó là VNG. Theo tạp chí Nhịp cầu Đầu tư, VNG ‘được đánh giá là công ty tiềm năng vì chiến lược xây dựng hệ sinh thái trên Internet được nhiều công ty trên thế giới đi trước áp dụng và thành công như Garena hay Alibaba’.

Các sản phẩm tiêu biểu của VNG có thể kể đến như mạng xã hội Zing Me, báo điện tử Zing.vn, dịch vụ nghe nhạc Zing MP3, ứng dụng liên lạc trên di động Zalo, kênh thanh toán trực tuyến Zalo Pay v.v. Tuy chỉ nằm gọn trong lĩnh vực phần mềm, nhưng hệ sinh thái mà VNG xây dựng đã phần nào cung cấp khá đầy đủ nhu cầu của khách hàng là thế hệ người trẻ dùng Internet tại Việt Nam.

Có thể thấy rõ mối liên hệ chặt chẽ giữa các sản phẩm của VNG. Khi người dùng chơi game, có thể liên kết tài khoản Zalo và kết bạn với nhau. Tài khoản Zalo cũng có thể dùng đăng nhập ZingMP3 và một số dịch vụ khác. Khi cần nạp tiền cho game có thể thông qua cổng thanh toán Zing Pay, cổng thanh toán này cũng dùng được cho ZingMP3, TalkTV,…

Sự thành công của hệ sinh thái VNG thể hiện ở khả năng giữ chân khách hàng rất tốt, mà minh chứng là 70 triệu người dùng Zalo cho đến thời điểm hiện tại.

Bắt kịp xu thế, Zalo Pay là sản phẩm thanh toán di động mà VNG mới ra mắt. Zalo Pay tích hợp chặt chẽ và có thể thanh toán cho các dịch vụ khác của VNG. Ngoài ra, người dùng Zalo Pay còn có thể chuyển tiền cho nhau thông qua danh bạ Zalo, chuyển tiền trực tiếp bằng quét mã QR, NFC hay Bluetooth. Bên cạnh đó còn có thể thanh toán các dịch vụ như điện, nước, Internet,… và mua sắm ở các cửa hàng liên kết.

Sự gắn bó chặt chẽ giữa sản phẩm là yếu tố tạo nên sự thành công của hệ sinh thái Google hay Apple. Điều này có đã được minh chứng qua các sản phẩm tại VNG. Hệ sinh thái tại đây là thứ không chỉ tương lai mà ngay bây giờ đang được VNG xây dựng và phát triển mỗi ngày.

START