Những xu hướng sẽ thay đổi làng game trong tương lai

25/04/2017 1,110

Công nghệ VR, AR, các buổi Livestream game hay sự quay trở lại của các trò chơi kinh điển trong quá khứ trên nền tảng mobile hứa hẹn sẽ đem lại làn sóng đổi mới cho ngành công nghiệp game.

VR (Virtual Reality) với nhiều nội dung mới

Công nghệ VR – thực tế ảo đã bùng nổ trong năm 2016 và hứa hẹn sẽ còn phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Giá cả của các thiết bị ngoại vi hỗ trợ VR đã ngày càng rẻ tới mức game thủ nào cũng có thể mua được. Bước chuyển biến tiếp theo của VR có lẽ là việc cần có thêm nhiều nội dung để cung cấp cho người chơi, cả trên các thiết bị chơi game chuyên dụng hay di động. Các nhà phát triển cũng đã nhận ra điều này và hàng loạt game VR sẽ ra mắt trong năm 2017.

Tại Việt Nam, VNG hiện đang phát triển phiên bản VR của trò chơi bắn súng góc nhìn thứ nhất trên di động Dead Target: Zombie. Đây là trò chơi đã rất thành công với hơn 50 triệu lượt tải trên toàn thế giới. Dead Target VR được phát triển cho thiết bị Daydream của Google. Game được hiệu chỉnh thêm nhiều tính năng chơi trên thiết bị VR bao gồm: nhắm bắn, nạp đạn, quăng lựu đạn, cận chiến cùng một số hành động phức tạp khác.

Trò chơi đã gây được sự chú ý với Google và đội ngũ thực hiện mới đây đã được mời sang dự sự kiện Google Daydream/Tango Code Lab tại Singapore để diễn thuyết, cũng như trình diễn bản chơi thử của game.

AR (Augmented Reality) thay đổi cách chơi game

Trong khi đó, game trên nền tảng AR – thực tế tăng cường đòi hỏi người chơi phải rời ghế để di chuyển, vận động mới có thể trải nghiệm game. Một trong những game điển hình là Pokemon Go – cái tên đình đám của năm 2016.

Game AR dần gây được thiện cảm ngay cả với các bậc phụ huynh khi thể loại game này khuyến khích người chơi vận động càng nhiều càng tốt, giảm đi nỗi lo về bệnh béo phì hoặc các vấn đề về sức khỏe khác do ngồi quá lâu. Ngoài ra các game AR thường hướng đến nhiều đối tượng khác nhau trải dài từ nhỏ đến lớn, ai cũng có thể chơi được.

Game thủ “đổi đời” với Livestream

Không chỉ livestream trên YouTube hay Twitch, game thủ giờ đây còn có thể lựa chọn Facebook Live, Instagram Stories, Play Station Live,… để đưa video chơi game của mình đến với nhiều khán giả hơn. Điều này đồng nghĩa với thu nhập của game thủ ngày càng “khủng” dù tuổi đời còn rất trẻ, ngay cả với thị trường Việt Nam.

Theo nghiên cứu của Focus Vision, số lượng người cắt hoàn toàn TV và chuyển sang xem nội dung theo nhu cầu trên Internet sẽ tăng 41% trong thời gian tới. Điều này hứa hẹn số lượng người theo dõi livestream game sẽ còn gia tăng. Mảnh đất này vẫn cực kì màu mỡ và là cơ hội cho các game thủ, kể cả Việt Nam khai phá. Việc họ cần làm là cải thiện khả năng tiếng Anh và lập “chiến lược” phát triển kênh chuyên nghiệp để hướng ra thế giới.

Sự trở lại của các game “bom tấn” trên nền tảng mobile

Trong năm 2016, thành công của Pokemon GO hay Super Mario Run đánh dấu cho xu hướng “mobile hoá” các tựa game đình đám trên PC hay console trong quá khứ. Một phần làm nên thành công cho các tựa game này đó là chúng đã khơi gợi những cảm xúc xưa cũ của thế hệ game thủ đã từng gắn bó với phiên bản gốc trong nhiều năm. Điều này không chỉ khiến họ tải ngay phiên bản di động mà còn tạo nên hiệu ứng “viral” truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác, giúp nhiều người biết đến game hơn.

Thị trường Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Sau thành công rực rỡ của Võ Lâm Truyền Kỳ Mobile trong năm 2016, VNG đã lên kế hoạch tiếp tục tung ra phiên bản di động của ba tựa game “huyền thoại” khác. Đó là Crossfire Legends, Audition Mobile và Kiếm Thế Mobile, những cái tên mà bất kì game thủ 8x hay 9x đời đầu nào cũng không khỏi bồi hồi khi nghe đến.

Ngoài ra, phiên bản mới Võ Lâm Truyền Kỳ 3D Mobile cũng sẽ tiếp tục được VNG giới thiệu trong năm 2017. Với những thông tin nóng hổi này, có lẽ thế hệ game thủ Việt lão làng đang mong ngóng từng ngày để sớm được ôn lại những kí ức của một thời “trẻ trâu” với biết bao kỉ niệm khó quên.

START