Những ứng dụng của công nghệ thực tế ảo sẽ sớm xuất hiện tại Việt Nam

27/02/2017 940

Nhắc đến thực tế ảo (VR), người ta nghĩ ngay đến việc sử dụng chúng vào giải trí như chơi game, xem phim. Tuy nhiên, thực tế thì VR có thể sử dụng vào rất nhiều mục đích khác trong cuộc sống.

BẤT ĐỘNG SẢN

Với thị trường bất động sản sôi động tại Việt Nam, các công ty kinh doanh trong lĩnh vực này tất nhiên không thể bỏ qua lợi ích của VR. Khách hàng bây giờ có thể ngồi ở một nơi cách xa hàng ngàn cây số nhưng vẫn xem xét được từng ngóc ngách trong căn nhà mà mình muốn mua. Hiện tại ở Việt Nam đã có dịch vụ triển khai thực tế ảo dành cho các doanh nghiệp, và ngay cả các ông lớn bất động sản cũng bắt đầu phát triển bộ phận VR của riêng mình. Một số dự án bất động sản cao cấp hiện đã cho phép khách hàng xem căn hộ mẫu dưới dạng 3D, và xu hướng này sẽ còn bùng nổ trong năm 2017.

GIÁO DỤC

Đã có không ít những lời phàn nàn về việc trẻ em tại các thành phố lớn của Việt Nam không có điều kiện tiếp xúc với thiên nhiên. Điều này dẫn đến tình trạng có những bé đã học hết cấp 1 mà vẫn không biết đến những con vật thân quen như trâu, bò, dê,…. Việc ứng dụng VR vào giáo dục có thể giúp giải quyết tình trạng này.

Mới đây Samsung đã hợp tác cùng nhà xuất bản sách Cornelsen tại Đức để ứng dụng VR vào giảng dạy bộ môn Sinh học cho các học sinh từ lớp 7 đến lớp 9. Với nhu cầu giáo dục lớn tại Việt Nam, việc các trường học cũng đi theo xu hướng “VR hoá” sẽ chỉ là chuyện một sớm một chiều.

GAME

Hiện trên thế giới đã có rất nhiều hãng phát triển sản xuất ra những trò chơi ứng dụng công nghệ VR, tuy nhiên ở trong nước thì lại là một câu chuyện khác. Các studio vừa và nhỏ tại Việt Nam thường chỉ tập trung vào những game “mì ăn liền” dễ đem lại doanh thu, do đó yêu cầu họ đầu tư vào một lĩnh vực vừa mất nhiều công sức lại khá dài hơi như VR là điều bất khả thi. Do đó hi vọng vào game Việt chạy VR chỉ đến từ những nhà phát triển lớn.

VNG là một trong những công ty đầu tiên của Việt Nam triển khai một cách bài bản VR vào game. Từ tháng 9 năm ngoái, quá trình nghiên cứu ứng dụng VR vào dự án game đình đám Dead Target đã được VNG triển khai. Nguyễn Đình Thi – Product Manager của MPS, team đang phát triển Dead Target phiên bản VR cho biết: “MPS quyết định làm Dead Target VR vì nhận thấy game này khá phù hợp để phát triển bản VR: thể loại kinh dị, cảm giác bắn tốt, điều khiển dễ, nội dung đơn giản. Thị trường VR năm 2017 dự kiến sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ về cả chất và số lượng, đó là động lực giúp team có niềm tin vào sự thành công của công nghệ mới này trong tương lai”.

Thi cho biết một trong những rào cản để người dùng tiếp cận với VR đó là vẫn chưa có 1 chuẩn chung để các developer yên tâm đầu tư và phát triển game. Ví dụ như Google Cardboard, Samsung Oculus chỉ có thiết bị đeo, trong khi Oculus Rift và HTC Vive lại có thêm controller, mà controller của 2 thiết bị này cũng có thiết kế khác nhau. Tuy vậy MPS đã có giải pháp cho vấn đề này.

“Bản Dead Target VR được phát triển trên Engine Unity 5, có đủ khả năng support tất cả các thiết bị từ Google, Oculus, Samsung, HTC,… Tuy nhiên, team sẽ chọn những yếu tố mang lại lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm như: nền tảng mobile, đơn giản, dễ chơi, cảm giác bắn sướng. Giá cả của các thiết bị VR cũng ngày càng hợp lý như Google Cardboard (~ $2), hay sản phẩm sắp ra mắt là Google DayDream (~$99). Vì vậy team sẽ phát triển Dead Target VR trên các thiết bị giá phù hợp, giúp tăng cơ hội tiếp cận người dùng từ đó tăng khả năng thành công của sản phẩm”Thi chia sẻ.

Sắp tới VNG sẽ cho ra mắt phiên bản Dead Target VR cho Google Cardboard ở dạng Early Access trên Google Play Store. Mục tiêu của phiên bản này nhằm ghi nhận phản hồi từ người dùng, từ đó giúp đội ngũ phát triển có định hướng và điều chỉnh sản phẩm hợp lý hơn.

START