Mọi công ty đều là công ty công nghệ, tuy nhiên, hầu hết lại không hành xử đúng như vậy

01/12/2016 944

Vào năm 2011, Marc Andreesen đã có một bài viết nổi tiếng trên tờ Wall Street Journal đưa ra tuyên bố rằng “phần mềm đang nuốt chửng thế giới”.

g

Năm năm sau, tất cả năm công ty lớn nhất trên thế giới tính theo giá trị vốn hoá thị trường đều là công ty phần mềm.

Tuy nhiên, trong nền kinh tế thông tin ngày nay, Apple, Alphabet, Microsoft, Amazon và Facebook đều không phải là các công ty công nghệ lớn quan trọng duy nhất.

Do công nghệ ngày càng lan tỏa trên khắp các ngành công nghiệp và lĩnh vực chức năng, tất cả các công ty như Exxon, GE, Citi và Walmart cũng đều đang chạy đua để trở thành công ty công nghệ.

Ngày nay, chúng ta ít quan tâm hơn đến sự khác biệt giữa công ty công nghệ và công ty không phải công ty công nghệ (bởi vì có rất ít công ty thành công không phải là công ty công nghệ). Thay vào đó, bắt đầu xuất hiện các câu hỏi thú vị hơn như – Tesla là công ty công nghệ nhanh chóng học cách trở thành công ty về ô tô còn Ford là công ty về ô tô nhanh chóng học cách trở thành công ty công nghệ – công ty nào sẽ thành công trước?

Nói ngắn gọn, phần mềm đang nuốt chửng thế giới, tuy nhiên, các công ty phần mềm không phải là các đơn vị duy nhất giành lấy một phần miếng bánh này.

v

Các công ty về bất động sản, tài chính, chăm sóc sức khỏe, sản xuất hoặc các ngành công nghiệp khác không được xem là công ty công nghệ chính thống đã trở thành công ty công nghệ như thế nào? Chúng ta rút ra được bài học chủ chốt nào từ các công ty khởi nghiệp và công ty đã thành công trong quá trình chuyển đổi này?

1. Tất cả đều bắt đầu từ cấp lãnh đạo cao nhất

Dẫn dắt quá trình chuyển đổi để trở thành công ty công nghệ thành công không phải là công việc mà chỉ cần đơn giản là giao cho Giám đốc Công nghệ (CTO) hay Giám đốc Thông tin (CIO) là xong. Mức độ tham gia và đầu tư để có thể đạt được kết quả chuyển đổi thành công yêu cầu CEO và ban giám đốc phải trở thành động lực thay đổi chính.

Goldman Sachs đã trở nên nổi danh trong nhiều năm với việc công nghệ chính là lợi thế cạnh tranh chủ chốt trong dịch vụ tài chính. Trong một bài viết trên WSJ gần đây, một quản lý điều hành cấp cao của Goldman đã định giá hệ thống đo lường rủi ro của họ ở mức trên 1 tỷ USD và thậm chí có thể lên đến 5 tỷ USD. Từ đó, họ đã biến hệ thống này thành hệ thống nguồn mở trong nỗ lực xây dựng hoạt động kinh doanh mới.

Tuy nhiên, quan trọng hơn, Lloyd Blankfein, Chủ tịch và CEO của Goldman Sachs, đã nhắc đi nhắc lại rằng “Goldman Sachs là công ty công nghệ” và nhấn mạnh sự thật rằng, trên thực tế, Goldman Sachs thuê nhiều kỹ sư hơn cả các công ty như Facebook, Twitter hay LinkedIn và thường cạnh tranh giành nhân tài và chiến thắng trước các công ty internet hàng đầu.

2. Nhân tài là một trong những tài sản quan trọng nhất của công ty công nghệ

Một trong các động lực chủ chốt của sự tăng trưởng thần tốc của các công ty công nghệ mới là mức vốn yêu cầu để xây dựng công ty ngày nay ở mức thấp. Các công ty mới không còn nhất thiết phải mua hàng trăm nghìn đô la máy chủ và trang thiết bị; thay vào đó, họ có thể trả tiền để sử dụng máy chủ theo yêu cầu từ các nhà cung cấp dịch vụ đám mây khi cần.

Sự linh hoạt này đã khiến việc thuê được những con người tài năng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Trên thực tế, khảo sát gần đây mà Madrona phối hợp thực hiện với CIO Summit đã phát hiện rằng 89% các CIO của các công ty thuộc danh sách Fortune 500 cho biết rằng thuê được các nhân tài hàng đầu là mối quan tâm số một hiện nay của họ.

GE có lẽ là đơn vị đã đầu tư nhiều nhất vào lĩnh vực này để thay đổi câu chuyện mà các kỹ sư và cử nhân được nghe về công ty bằng một loạt các đoạn video trên Youtube và quảng cáo truyền hình. Dù hiệu quả thực sự của các đoạn video này vẫn cần thời gian kiểm chứng, GE đã nhận ra rằng bổ sung đội ngũ nhân tài bằng các kỹ sư và chuyên gia công nghệ là điều tối quan trọng và đang đầu tư theo hướng đó.

3. Công nghệ nhất thiết phải là cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp chứ không phải là suy nghĩ đến sau

Ở một công ty như Microsoft hay Facebook, các vị trí về kỹ thuật đóng vai trò quan trọng nhất và có tiếng nói nhất trong công ty. Nhà sáng lập và CEO của các công ty công nghệ thường là các kỹ sư và có thể chính là người đã tự mình xây dựng nên các phiên bản đầu tiên của sản phẩm.

Đối với các công ty đã thành công trong việc thực hiện quá trình chuyển đổi và trở thành công ty công nghệ, văn hóa cần phải thay đổi để tính đến cách thức hoạt động khác biệt của công tác phát triển phần mềm cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ và những con người thực hiện công tác quản lý và xây dựng.

Một ví dụ của quá trình chuyển đổi hướng đến văn hóa thân thiện với developer đang diễn ra tại Walmart. Trong thời gian qua, WalmartLabs đã chuyển đổi thành mã nguồn mở cho Electrode, nền tảng ứng dụng phía sau Walmart.com. Electrode là nền tảng giúp cải thiện hiệu năng của ứng dụng và Walmart đã biến phần mềm này thành mã nguồn mở để tặng lại cho thế giới nguồn mở và hưởng lợi từ sự đóng góp bổ sung từ cộng đồng.

Điều quan trọng cần nhớ là xây dựng văn hóa lấy công nghệ làm động lực không phải chỉ đơn giản là những bữa trưa và xuất mát xa miễn phí. Như Joel Spolsky, CEO của Stack Overflow đã phát biểu trong một bài phỏng vấn gần đây, “Nếu muốn thu hút và giữ chân các developer, đừng nhấn mạnh đến bàn chơi bóng bàn, nơi nghỉ ngơi thư giãn, hố đốt lửa trại và suối chocolate. Hãy cho họ văn phòng riêng hoặc để họ làm việc tại nhà bởi vì thời gian tập trung và không bị làm phiền là món hàng quan trọng và quý hiếm nhất.”

4. Các công ty cần phải biến đổi nhanh chóng và đưa vào áp dụng các nguyên tắc linh hoạt

Tốc độ thích ứng của công nghệ đang ngày càng tăng nhanh hơn mỗi năm. Ví dụ, điện và điện thoại phải mất hàng thập kỷ mới đến được với 50% hộ gia đình ở Hoa Kỳ, trong khi, các công nghệ mới ngày nay như điện thoại thông minh và máy tính bảng đến được với phần lớn dân số chỉ mất có vài năm. Hiện trạng này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc liên tục đưa vào ứng dụng các công nghệ mới có thể cải thiện năng suất và đồng thời liên tục thử nghiệm với các công nghệ mới có tiềm năng tạo đột phá cho hoạt động kinh doanh.

jjj

Một giai thoại thú vị từ cuốn The Lean Startup, một trong những bản tuyên ngôn của các nhà sáng lập công ty khởi nghiệp là Intuit trao cho chính mình trách nhiệm phải trở nên sáng tạo và linh hoạt bằng cách sử dụng hai thước đo chủ chốt: (1) số lượng khách hàng sử dụng sản phẩm không tồn tại ba năm trước và (2) phần trăm doanh số đến từ các đề nghị không tồn tại ba năm trước. Trong lịch sử Intuit, một sản phẩm mới phải mất trung bình 5,5 năm mới đạt mức doanh thu 50 triệu USD; vào thời điểm cuốn sách được viết, họ đã nhân các sản phẩm tạo ra doanh thu 50 triệu USD có tuổi đời dưới một năm.

Cụ thể, do thế giới ngày càng chuyển hướng tập trung vào điện toán đám mây, phát triển liên tục và cập nhật liên tục chính là mấu chốt của vấn đề.  Các nguyên tắc phát triển linh hoạt cho phép bạn liên tục đưa ra các trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng và phương pháp phát triển theo hướng thác nước (waterfall development methodology) chỉ còn là di tích của quá khứ.

5. Các công ty cần phải nhìn về phía trước và tránh bị kẹt ở thế tiến thoái lưỡng nan của nhà phát minh

Trường hợp điển hình của lý do vì sao các đối thủ cạnh tranh truyền kiếp có thể làm “đúng” mọi thứ và thất bại là sáng tạo đột phá được mô tả trong cuốn The Innovator’s Dilemma của Clayton Christensen. Các doanh nghiệp có thể từ chối sự sáng tạo dựa trên nhu cầu hiện tại của khách hàng còn các đơn vị đạt được sự sáng tạo đột phát lại phát triển sản phẩm sao cho đáp ứng nhu cầu tương lai của khách hàng.

Trong thời gian qua, chúng tôi đã quan sát thấy các nhà sản xuất ô tô tiếp cận một cách sáng tạo công nghệ ô tô dưới hình thức xe tự lái trở thành gương mặt tiêu biểu và trung tâm của thế giới khởi nghiệp với việc mua lại các công ty như OttoCruise cũng như đơn vị dẫn đầu nổi tiếng về công nghệ mới như xe tự lái của Uber tại Pittsburgh hay tính năng Tự lái của Tesla.

Đặc biệt, hãng Ford đã từng mạnh dạn khẳng đinh tương lai của xe tự lái và tầm quan trọng của việc hoạt động khác biệt trong bối cảnh thế giới lấy công nghệ làm động lực như ngày nay. Ông Mark Fields, CEO của Ford, đã viết “Mới chỉ cách đây bốn năm, phương pháp của chúng tôi vẫn còn đồng nhất với lối suy nghĩ của đa phần các nhà sản xuất xe ô tô ngày nay, cụ thể là thực hiện phát triển từng bước để đạt được khả năng tự lái hoàn toàn bằng cách tiến lên công nghệ hỗ trợ người lái. Đó không phải là cách nhìn nhận của chúng tôi ngày hôm nay. Chúng tôi đã học được rằng, để đạt được khả năng tự lái hoàn toàn, chúng tôi phải đi theo một con đường hoàn toàn khác.”

Kết luận

Tốc độ của cuộc đua trở thành đơn vị dẫn đầu thị trường xuyên suốt nhiều lĩnh vực và khu vực đa dạng đang ngày càng tăng cao trong số các doanh nghiệp hiện tại cũng như các công ty khởi nghiệp mới và tiềm năng. Các công ty khởi nghiệp còn rất nhiều thứ phải học hỏi từ nguyên tắc quản lý và tài chính đã có danh tiếng của các doanh nghiệp hiện tại, tuy nhiên, chính các doanh nghiệp hiện tại cũng có nhiều thứ phải học hỏi từ chính các công ty khởi nghiệp. Doanh nghiệp, bất kể là già hay trẻ, có sử dụng công nghệ để tạo ra lợi thế cạnh tranh tốt nhất cho chính mình sẽ giành chiến thắng.

Công nghệ cần phải trở thành yếu tố cơ bản trong bản chất và văn hóa của công ty khi công ty đó thực sự nhận ra rằng “Mọi công ty đều là công ty công nghệ”.

Nguồn: http://tcrn.ch/2fIfhGv

Tác giả: S. Somasegar (@SSomasegar), Daniel Li (@danielxli)

Dịch bởi: Life@VNG