“MARKETING IN TECH INDUSTRY”– RÀO CẢN KHÔNG ĐẾN TỪ GIỚI HẠN VỀ ĐỊA LÝ

29/10/2020 521

Tại sự kiện Youth Sharpening – Hành trang cho các bạn trẻ, do AIESEC (Tổ chức thanh niên toàn cầu) tổ chức tại trường Đại học Kinh tế Quốc Dân, chị Phan Huy Thiên Thư, Trưởng phòng Marketing tại VNG GSN (Một trong những game studio lớn nhất Việt Nam) đã chia sẻ với các bạn sinh viên những trải nghiệm của bản thân về ngành Marketing trong lĩnh vực Công nghệ và những hành trang mà các bạn sinh viên cần chuẩn bị ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường.

1. Cơ duyên nào đưa chị đến với VNG và đạt được dấu ấn như ngày hôm nay?Thật ra cũng tình cờ chị biết đến VNG và gia nhập vào năm 2010, tính đến nay chị đã gắn bó với VNG được hơn 10 năm.  Từ khi VNG có xuất phát điểm là làm game, cho đến việc phát triển thành công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam với hơn 3000 nhân viên, tập trung 4 mảng sản phẩm: Giải trí (Games), Thanh toán điện tử (Zalopay) , Điện toán đám mây (VNG Cloud), Nền tảng kết nối (Zing, Zalo,…)

Riêng mảng Games mà chị đảm nhiệm, VNG đã và đang không chỉ phát triển tại thị trường trong nước mà còn “khai phá” các thị trường quốc tế như Đông Nam Á, Ấn Độ, Brazil,…và dần đạt được những thành tựu nhất định. Chị cảm thấy may mắn vì được cùng VNG trải qua quá trình phát triển và khẳng định vị thế, nhờ đó mà chị có những trải nghiệm và bài học rất khác biệt cho bản thân.

2. Môi trường xung quanh đã tác động đến chị như thế nào trong quá trình phát triển bản thân?
Chị đã có 10 năm đồng hành cùng VNG, với những trải nghiệm “khá” đầy đủ của mình ở nơi đây, chị đúc kết được 3 điều mà có thể sẽ là những thông tin đắt giá cho các bạn trẻ đang tìm kiếm môi trường làm việc và kể cả những thế hệ lão làng như chị.

Thứ nhất, VNG luôn tạo văn hóa học hỏi cho mọi thành viên. Ở VNG, có một bộ phận Learning & Development sẽ trực tiếp mở các lớp dạy tranining các kỹ năng cho mọi thành viên mỗi tháng. Từ vị trí Manager hay Fresher đều sẽ được tham gia học các lớp này cùng các chuyên gia đình đám trong ngành. Ở vị trí nào thì việc học hỏi và update bản thân sẽ được VNG “may đo” theo từng đối tượng. Bình thường ở những công ty khác việc “nâng cấp” các kỹ năng này sẽ phải tự học ở các lớp dạy bên ngoài, nhưng VNG thì có sẵn mọi thứ chỉ đợi bạn đến và tham gia thôi. Đặc biệt là với các bạn Fresher, nhập môn VNG sẽ được tham gia các buổi học về kỹ năng thuyết trình, giao tiếp, tư duy đội nhóm trước khi chính thức bước vào công việc.

Thứ hai là văn hóa chia sẻ – sharing. Ở VNG thì không ngại việc chia sẻ, chia sẻ cũng là một trong những hoạt động giúp gắn kết các thành viên và là một trong những bước training hiệu quả nhất. Cho dù bạn là một người mới toanh gia nhập VNG vẫn sẽ được các anh chị trong đội nhóm chia sẻ về cách thức làm việc, văn hóa và môi trường ở đây. Đặc biệt là tại VNG mỗi quý 1 lần sẽ có buổi trò chuyện trao đổi trực tiếp cùng các anh chị SMT (ban giám đốc điều hành của VNG) về những thành quả đã đạt được cũng như những dự định sắp đến sẽ làm. Đây là một trong những hoạt động thú vị và ý nghĩa nhất đối với chị.

Cuối cùng là những Mentor và đồng nghiệp. Ở VNG luôn đồng ý cho mọi người được thử cái mới, và trong quá trình thử cái mới đó thì mọi người cũng sẽ học hỏi được rất nhiều thứ từ những thành công và thất bại. Chị nghĩ môi trường xung quanh, đồng nghiệp và đặc biệt là Mentor đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển bản thân đặc biệt là các bạn mới ra trường. Các bạn mới chị nghĩ là cơ hội là một chuyện, tiền lương có thể chỉ là thứ yếu trong quá trình mọi người bắt đầu đi làm, nhưng mentor và đồng nghiệp là rất quan trọng vì Mentor như một “vị thuyền trưởng” truyền cảm hứng và định hướng cho mọi người trên hành trình tương lai sắp tới.

3. Điều gì tại VNG để lại cho chị nhiều ấn tương nhất?
Chị “yêu” VNG 10 năm rồi và chưa có dấu hiệu muốn dừng lại. Vì làm ở VNG khi nào cũng như mới bắt đầu, chị luôn được cơ hội thử cái mới, học cái mới, luôn biết “hâm nóng” tình cảm bằng những thử thách thì làm sao mà chán được. Có lẽ đó là một trong những lí do khiến chị đồng hành cùng VNG lâu đến vậy.

4. Theo chị, những kỹ năng mà các bạn sinh viên nên trau dồi và rèn luyện trong cuộc sống đai học là gì?

Đầu tiên, các bạn sinh viên rất cần Kiến thức nền tảng. Có thể, trong quá trình học Đại học, học lực của bạn có thể không quá giỏi, nhưng bạn cần có cho mình những kiến thức nền tảng về ngành mà bạn muốn theo đuổi. Những kiến thức nền tảng này có thể được vun đắp từ chính những bài học lý thuyết ở trường lớp hoặc được tích lũy thông qua quá trình tham gia các hoạt động ngoại khóa hoặc ra ngoài làm thêm.

Thứ hai là Kỹ năng mềm. Dù là đi làm hay đi học hay trong giao tiếp cuộc sống, kỹ năng mềm cũng đóng một vai trò rất quan trọng. Từ những kỹ năng mềm cơ bản như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm,… tới các kỹ năng nâng cao hơn như quản lý, dẫn dắt đội nhóm,… bạn có càng nhiều sẽ càng tốt cho lộ trình phát triển bản thân. Và chị nghĩ, với môi trường đại học hiện nay, các bạn có cơ hội rèn luyện những kỹ năng mềm dễ dàng thông qua các hoạt động ngoại khóa.

Thứ ba, các bạn còn cần có kiến thức rộng về lĩnh vực mà mình sẽ làm việc. Mỗi ngành sẽ có một đặc trưng riêng, ví dụ lĩnh vực FMCG sẽ rất khác với lĩnh vực công nghệ. Nếu không thể có kiến thức sâu thì ít nhất bạn cũng nên có bức tranh tổng quan về lĩnh vực mà mình dự định sẽ bước chân vào. Ngoài chuyện dùng những hiểu biết của mình để chứng minh với nhà tuyển dụng, bạn cũng nên tự mình suy nghĩ xem liệu, lĩnh vực đó có thực sự phù hợp với định hướng tương lai của mình hay không.

Điều cuối cùng và quan trọng nhất đó chính là xác định một “cái đích” cho bản thân. Các bạn cần biết “đích đến” của mình là gì thì mới có thể nhận ra được mình còn thiếu gì, và bổ sung những thiếu sót ấy bằng việc học tập, đọc sách hoặc bằng một cách nào đó. Những “đích đến” có thể sẽ thay đổi theo thời gian, nhưng chỉ cần có mục tiêu rõ ràng thì mình sẽ không bao giờ bị lệch khỏi “đường ray”.

5. Marketing trong lĩnh vực Công nghệ có điểm gì khác so với Marketing ở những lĩnh vực khác hay không?
Chị sẽ lấy ví dụ về 3 điều khác biệt giữa Marketing công nghệ và các ngành hàng FMCG:
– Khác biệt về tính chất dịch vụ: FMCG có thể chạy quảng cáo phủ khắp các mặt trận từ Online đến Offline, vì khách hàng ở ngành này ở khắp mọi nơi. Còn công nghệ thì sẽ có đặc trưng là khách hành của em ở trên online. Ngành công nghệ em không thể thấy 1 banner quảng cáo em có thể mua liền ngay lập tức vì công nghệ cần internet, công nghệ cần các thiết bị hỗ trợ như điện thoại, ipad,…Vì vậy, công nghệ sẽ hẹp hơn FMCG, buộc doanh nghiệp phải chạy trên nền tảng online phần nhiều.
– Khác nhau về đặc tính khách hàng: Chúng ta có thể chạy chiến dịch overworld, không có rào cản. Các bạn ngồi đây nhưng có thể chạy marketing trên một đất nước xa xôi nào đó vì khách hàng có thể biết thông tin qua digital. Chỉ cần có nền tảng digital là truyền tải được thông điệp đến với khách hàng. Còn FMCG thì chúng ta không thể ngồi ở Việt Nam để bán một gói mì cho Singapore chẳng hạn.
– Khác nhau về hành vi của khách hàng ở từng phân khúc ngành Chúng ta cần làm nhiều bước như phân tích khách hàng, phân tích thị trường,… để đưa những chiến dịch và cách thức truyền thông khác nhau.

START