Kỷ yếu “lạ” và câu chuyện thần kỳ chinh phục Internet của người Việt

30/10/2017 827

Người bạn nhỏ gửi tặng tôi cuốn sách chưa đầy 100 trang với cái nháy mắt đầy ẩn ý: “Có xíu chữ, anh đọc loáng một cái là xong”.

Đúng là ít chữ thật vì đây là cuốn sách ảnh và để đọc một lượt chắc chỉ mất nửa giờ đồng hồ. Thế nhưng, đằng sau những dòng chữ ngắn gọn ấy là những câu chuyện, là cả hành trình dài 13 năm chất chứa những khát khao, triết lý “Đón nhận thách thức” của một công ty Internet hàng đầu Việt Nam. Đó là VNG.

Từ khát vọng “điên rồ”…

Cuốn sách đẹp, vừa vặn với khổ 20x20cm được trình bày khúc chiết. Khác với các cuốn kỷ yếu của nhiều doanh nghiệp với chữ nghĩa “dài lê thê”, thì VNG lại tóm lược hành trình 13 năm đầy khó nhọc và vinh quang của mình bằng những câu “quote” ngắn gọn.

“Chuyện cổ tích” được viết bằng những giọt mồ hôi của người VNG bắt đầu vào tháng 5/2004, khi 5 chàng thanh niên trẻ tuổi sáng lập lên Vinagame chỉ với khát vọng khai phá mảnh đất màu mỡ của thị trường game tại Việt Nam còn đang sơ khởi. Tháng 12 cùng năm, anh Lê Hồng Minh đã đặt bút ký hợp đồng Võ Lâm Truyền Kỳ. Đây cũng là sản phẩm quan trọng và thành công nhất của VNG cũng như ngành game Việt cho đến thời điểm hiện tại.

13 năm qua, khi mà nhiều tên tuổi của làng game dần từ giã cuộc chơi bởi thị trường ngày càng khắc nghiệt, thì VNG, với triết lý của mình vẫn làm nên điều kỳ diệu. Từ một nhà cung cấp game, họ đã trở thành một chân trụ trong làng Internet Việt với sứ mệnh tự đặt ra là “Phát triển Internet để thay đổi cuộc sống người Việt Nam” và “VNG phải trở thành một lý do chính để mỗi người Việt Nam sẽ bật máy tính – hay bật điện thoại di động – hay bật TV và kết nối với Internet hàng ngày.”

… tới đón nhận thách thức

Nói là làm, như cách mà CEO Lê Hồng Minh “quote” trong kỷ yếu: “Sứ mệnh của VNG là niềm tin mãnh liệt rằng công nghệ và Internet sẽ mang lại những thay đổi sâu sắc cho cuộc sống. Con người VNG là những suy nghĩ lãng mạn, những hành động ‘điên rồ’, những tinh thần làm việc quyết liệt và máu lửa để không bao giờ phải hối hận vì những điều mình chưa kịp làm”.

Để có những thành công, người VNG không bao giờ chùn bước. Như anh Bùi Minh Phương, Giám đốc của GS1, với một cái tên thân mật khác mà chúng tôi hay gọi – anh Zít, thì “phải có những cú ngã ê chề thì thành công mới thật chất.” Với VNG, việc ngã đã đáng sợ, nhưng không tìm được lối đi sau đó còn là điều đáng sợ gấp ngàn lần. Hay, như cách nói của anh Nguyễn Nhật Tuyên, Giám đốc GST thì “còn dám đương đầu với thách thức là còn thấy mình trẻ. Mà trẻ thì không có điều gì không dám làm”…

Đón nhận thách thức, người VNG đã có những cách làm cho riêng mình. Anh Tuyên đã chọn sự thay đổi bằng cách sẵn sàng cho mọi thách thức, từ việc “hành xác” với các cuộc thi thể thao tới công việc hằng ngày, đặt mình vào cuộc đua chống lại sự già cỗi để có thêm năng lượng truyền lửa.

Khác với nhiều doanh nghiệp, người VNG đã thay đổi suy nghĩ từ việc phải phát triển sản phẩm lớn, hoành tráng đến việc tập trung đáp ứng thị hiếu của người chơi bất chấp đó là sản phẩm lớn hay nhỏ; Sản phẩm phải là một hệ sinh thái. Tôi thấm nhuần triết lý của team Payment là “Bước ra biển lớn và đối mặt với những con sóng to, ngày đầu có thể không quăng được cá nhưng chắc chắn hôm sau chúng tôi sẽ học được cách xác định vị trí bẫy cá tốt hơn” , hay châm ngôn của EAC rất đơn giản: “Không chấp nhận bỏ cuộc, luôn sẵn sàng biến đổi và sáng tạo trước thách thức”.

Đường đến vinh quang

Không một con đường nào tiến tới thành công mà trải hoa hồng. Từ nhân viên cho tới các “leader” của VNG đều rất hiểu điều đó. Nhìn vào cả hành trình dài từ khi mới thành lập, từ một “dấu chấm” nhỏ trên bản đồ công nghệ Việt Nam, VNG đã trở thành “dấu chấm” trên bản đồ công nghệ thế giới.

Rõ ràng, trong cả bước đường hơn một thập kỷ qua, trải qua nhiều sự thay đổi về công nghệ, con thuyền VNG vẫn vững vàng tiến bước nhờ giữ vững tinh thần “Đón nhận thách thức.” Tới nay, nhiều sản phẩm online game của VNG đã thành công vang dội ở thị trường trong nước và quốc tế như Khu vườn trên mây, Dead Taget…, các ứng dụng trở nên khá phổ biến như Zalo, Zing cho tới ZaloPay…

Cuốn sách nhỏ, kiệm lời, nhưng nêu bật được tinh thần và nghị lực sắt đá của VNG. Nếu nói rằng, vào năm 2014, chú chim Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông đã tạo nên cơn sốt, thúc đẩy nhiều sáng tạo của giới trẻ phát triển ứng dụng, thì không thể quên rằng, VNG chính là một hình mẫu đã truyền lửa đam mê, khát vọng cho giới trẻ trên con đường chinh phục công nghệ, làm chủ Internet một cách “dài hơi” trong suốt thời gian qua.

Giờ đây, VNG đã có một vị trí lớn trong lĩnh vực Internet cả trong nước và khu vực. Nhưng, tôi tin chắc VNG sẽ không dừng lại mà sẽ tiếp tục sẵn sàng thay đổi, đón nhận những cơn bão để lại vươn mình mạnh mẽ hơn, hiện thực hóa khát vọng “Phát triển Internet để thay đổi cuộc sống”.

Và, không chỉ tôi, hẳn rằng nhiều người sẽ tin vào sự lựa chọn đón nhận thách thức ấy. Bởi, chỉ khi có đủ quyết tâm, con người ta mới có thể làm nên những kỳ tích và đứng trên bục vinh quang.

(Bài viết cảm nhận của Starter)