IT & hành trình vượt qua giới hạn tại đỉnh BIDOUP

18/02/2016 890

Một tuần trước Tết, Team IT vừa có chuyến “hành xác” tại tỉnh Lâm Đồng mang danh nghĩa YEP 2015 khi cả team đã cùng nhau chinh phục đỉnh BIDOUP cao 2287m, được mệnh danh là nóc nhà của Tây Nguyên. Tuy lúc về “nhan sắc” có phần suy giảm do ai cũng khoác lên mình làn da nâu đậm màu thương nhớ, nhưng đổi lại cả team đã có những trải nghiệm vô cùng quý giá và quan trọng hơn hết là mọi người đã cùng nhau “vượt qua giới hạn của bản thân”.

Khởi hành lúc 23h đêm thứ năm (28/01/2016) trong tâm trạng háo hức xen lẫn lo lắng “nhẹ” do bị Ban tổ chức “hù dọa” về đọan đường gian nan cũng như những thử thách “khó nhằn” mà cả team phải vượt qua. Trước chuyến chinh phục, 18 thành viên team IT được chia thành 3 đội để có thể hỗ trợ nhau vượt qua thử thách. Cả đoàn đã phải trải qua một đêm ngủ ngồi trên xe khiến cho xương cốt “vùng lên biểu tình”, may mắn là cũng kịp tới Đà Lạt lúc 7h30 sáng để nạp năng lượng (ăn sáng) và chuẩn bị cho chặn đường dài sắp tới.

Ăn sáng tại Đà Lạt

Tiếp tục đi thêm 50km tới huyện Lạc Dương – Lâm Đồng, cả đoàn chính thức bước vào chặn hành trình chinh phục đỉnh Bidoup kéo dài 2 ngày 1 đêm với những trải nghiệm quý báu và những gian nan tưởng chừng không vượt qua nổi.

Chân núi Bidoup

Theo chân anh Nguyên – hướng dẫn viên của rừng Quốc Gia Bidoup và anh chàng Maria (người dân tộc Cờ-ho), chúng tôi vượt qua cây cầu dây văng có phần “te tua” để tới đoạn đường rừng dài hơn 10 km (trên lý thuyết, nghe đồn thực tế dài hơn nhiều). Núi rừng Bidoup mùa này mát lạnh, đang mùa dẻ rụng và mùa hoa Đỗ Quyên nở, những mảng rêu xanh bám đầy gốc cổ thụ rải rác khắp rừng, nét tự nhiên hoang sơ đẹp đến ngỡ ngàng khiến mọi người không khỏi ngẫn ngơ. Mới vào rừng còn có thời gian ngắm nghía chứ leo dốc một hồi thở không ra hơi, mọi người nối đuôi nhau bước nhịp nhàng đi theo con đường mòn lúc bằng phẳng lúc dốc đứng rồi lại ngoằng ngoèo trơn trợt.

Hoa Đỗ quyên khoe sắc

Mới vào rừng còn hăm hở ^^

Điểm quan sát nơi cả đoàn ăn trưa

Khoảng 1h trưa cả đoàn nghỉ trưa tại điểm quan sát và ăn trưa với thực đơn gồm: bánh ú, bánh hỏi thịt heo quay. Phải nói là chưa bao giờ ăn bánh ú thấy ngon như vậy, ăn vội rồi tranh thủ chụp vài tấm hình “sống ảo” share lên Facebook, lại tiếp tục “leo”. Lướt qua cây Pơ-mu 1300 tuổi sừng sững giữa núi rừng, đi qua những đoạn đường rừng lên xuống nhấp nhô, lan rừng mọc ven đường đi là đoạn “dốc đụng nóc”, tới lúc này cả đoàn không phải là leo nữa mà chuyển sang bò, bám và nhờ hỗ trợ của dây thừng. Cuối cùng, chỉ còn 500m thôi là đến đỉnh Bidoup mà sao thấy nó xa xôi quá, có lẽ suốt 7 giờ đường rừng cũng đủ thấm mệt, cả đoàn lại hè nhau lê từng bước một leo lên. Vậy mà khi tới được đỉnh Bidoup, bao nhiêu cái mệt nó biến đi đâu mất, ai nấy hào hứng, phấn khởi khác hẳn 30 phút trước. Mà không hào hứng sao được, “dân văn phòng suốt ngày ngồi máy lạnh, ì ạch một chỗ lại có thể chinh phục được “nóc nhà Tây Nguyên”, oách lắm chớ!”

“Sướng tập thể” dưới gốc cây Pơmu hơn 1300 tuổi

Tới đỉnh rồi nè ^^

Di chuyển xuống núi thêm 3km, cả đoàn tới được điểm cắm trại sau khi vượt qua thử thách “mạng nhện leo dây”. Đi từ xa đã nghe mùi thơm thịt nướng, tới gần mới thấy một nồi cháo gà to tổ bố kèm 3 em gà “khỏa thân” phơi mình bên đống lửa hấp dẫn vô cùng. Trời đêm bắt đầu trở lạnh, mọi người quây quần bên đống lửa cùng nhau vừa ăn uống, hát hò trò chuyện rôm rả. Đêm lạnh dần, gió núi rít qua vạc rừng thông bạt ngàn, con người quả thật nhỏ bé trước núi rừng hùng vĩ.

Menu buổi tối cắm trại

Hát hò văn nghệ

Sau một đêm ngủ lều, ăn sáng bằng mì gói, cả đoàn lại tiếp tục lên đường xuống núi với hành trình 17 km (lại trên lý thuyết) băng qua rừng thông mọc dọc hai bên, xa xa là dòng sông mây mờ ảo, núi đồi trùng điệp không điểm dừng. Vượt qua những đoạn dốc xuống thẳng đứng với sỏi đá dày đặc khiến cho đôi chân đau nhức đến mức không bước chân nỗi, nhưng bằng những lời động viên mà mọi người dành cho nhau kèm theo nỗ lực của từng cá nhân, cả đoàn đã tới được Trạm kiểm lâm Bidoup. Ở đây, cả đoàn được chiêu đã một bữa no nê với gà rừng cá suối, đã vậy còn được ra suối ngâm chân, cảnh vật xung quanh làm cho chúng tôi nghĩ mình đang lạc vào sứ sở thần tiên nào đó.

Thấp thoáng dòng sông mây

Suối Dasar

Khoảng 11h trưa, chúng tôi lại tiếp tục lên đường, nắng cao nguyên giờ này vô cùng gay gắt, dốc núi thì hun hút, qua hết dốc này tới dốc khác, đường đi đá sỏi dày đặc, đôi chân không còn là của mình nữa, cộng thêm balô trên vai nặng trịch, nhiều đoạn tưởng chừng phải bỏ cuộc nhưng khi nhìn lại phía sau, thấy được đoạn đường mình đã vượt qua kia, lòng lại dâng trào cảm giác tự hào, “núi cao như vậy còn leo được, con dốc này nhầm nhò gì!!!”, cứ thế chúng tôi lại băng băng tiến về phía trước…

Một trong những con dốc “đụng nóc”

Mệt thì mệt mà lên hình thì vẫn phải tươi

Suốt chặn đường đi, điều khiến chúng tôi ấn tượng nhất là cách người dân ở đây bảo vệ rừng, cả khu rừng không hề thấy rác thải, tất cả đồ vật bằng nhựa, từ cái to như chai nước suối tới cọng dây cột bánh ú, nấp chai nước đều được anh Nguyên và Maria gom lại bỏ vào bao lớn mang ra khỏi rừng, họ tâm sự không dám nhận khách đại trà vì sợ không kiểm soát được hết làm ảnh hướng không tốt tới khu rừng, họ thuộc tên từng loại cây, từng khúc quanh trong rừng. Với họ, rừng không hề là công cụ kiếm tiền, rừng là nhà!

Chuyến đi mang nhiều trải nghiệm quý báu như tiếp thêm sức mạnh và khiến chúng tôi cảm thấy mình tràn đầy năng lượng cho năm mới. Sẽ có rất nhiều điều tưởng-sẽ-không-thể-làm-được còn chờ mọi người ở phía trước. #Làmkhácđi, làm nhiệt tình và làm hết khả năng tiềm tàng của mỗi người chính là điều đọng lại như một bài học có-tiền-cũng-không-mua-được dành riêng cho chúng tôi sau chuyến đi ý nghĩa này.

PhongTNT